Google+, mạng xã hội mà Google dày công nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng đã thu được kết quả tốt với số lượng người dùng dự tính vào khoảng 10 triệu người chỉ sau 2 tuần đầu tiên. Quan trọng hơn, sự tương tác trên Google+ rất cao, khi người dùng thông báo rằng họ nhận được nhiều phản hồi trên Google+ hơn so với khi chia sẻ nội dung ở Twitter hay Facebook. Rõ ràng là Google+ đã tạo được đà rất tốt.
Tuy nhiên, dường như chính kết quả này lại đang làm “mờ mắt” những người sử dụng Google+ cũng như dư luận nói chung. Một thực tế là: Những người dùng hiện tại mà Google+ đạt được hầu hết là thuộc nhóm người dùng sẵn sàng tiếp nhận sớm. Trong khi đó, cần nhớ rằng nhóm người dùng ban đầu, mặc dù quan trọng, không hẳn là sự dự báo đáng tin cậy cho thành công lâu dài của một mạng xã hội.
Không ít các dịch vụ xã hội đã có những thành công tương tự với sự hưng phấn của những người dùng đầu tiên như thế. Hãy nhớ lại điều gì đã xảy ra với chúng và liệu điều đó có giống với tương lai của Google+?
Có lẽ bạn đã nghe về khái niệm “chu trình tiếp nhận công nghệ” (technology adoption lifecycle) và biểu đồ hình chuông của Rogers. Đây là một mô hình xã hội học được phát triển từ những năm 1950 để dự đoán về sự lan truyền thông thường của việc tiếp nhận công nghệ. Theo đó, trong bất kỳ trường hợp nào, thông thường những người tạo ra cái mới và lớp người dùng sớm sẽ chiếm 16% lượng công chúng đầu tiên của số người chấp nhận công nghệ mới. Họ có xu hướng chấp nhận rủi ro, và trở thành những người đi đầu trong cộng đồng khi thử những cái mới. Tuy nhiên, vẫn còn đến 84% công chúng cân nhắc chấp nhận của công nghệ mới.
Sơ đồ miêu tả sự thay đổi của số lượng người tiếp nhận cái mới theo từng thời kỳ. Nguồn: Wikipedia.
Hãy thử đặt con số này vào trường hợp của Facebook và Google+ bây giờ. Theo tuyên bố mới nhất của Zuckerberg vào tuần trước, Facebook đạt mức 750 triệu người dùng và có thể coi đây là số lượng tới hạn (critical mass). Giả sử 750 triệu người dùng là quy mô tiềm năng của việc tiếp nhận một dịch vụ truyền thông xã hội, thì Google+ cần đến 120 triệu người dùng thuộc nhóm sẵn sàng tiếp nhận đầu tiên (16% của 750 triệu). So sánh với số lượng người dùng hiện tại trên Google+ (khoảng 10 triệu, theo thông báo mới nhất từ Google+) sẽ thấy phía trước dịch vụ này vẫn còn một chặng đường dài.
Nhóm người dùng đầu tiên sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới là đối tượng rất cần để có thể thử nghiệm sản phẩm. Mọi sản phẩm đều bắt đầu với 1 lớp người dùng ban đầu, cho dù đôi khi chỉ là sự khởi đầu cho một nhóm người dùng nào đó (chẳng hạn, Facebook lúc đầu là 1 mạng xã hội cho sinh viên đại học).
Tuy nhiên, liệu lượng người dùng ban đầu có phải là một chỉ số tin cậy đánh giá cho những thành công tương lai của 1 sản phẩm công nghệ? Dưới đây là một số ví dụ về một vài sản phẩm công nghệ từng rất huyên náo với số đông người dùng đầu tiên sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới.
Năm 2008 và 2009 là thời kỳ mà FriendFeed nổi đình nổi đám. Hệ thống các bài viết và luồng tin tức theo thời gian thực với các bình luận dài của họ từng là sáng kiến hấp dẫn (mà giờ đã trở thành một chuẩn mực trên Facebook và Google+). Giới công nghệ đã dự đoán rằng FriendFeed sẽ trở thành một sản phẩm đặc biệt, có thể đánh gục đối thủ cạnh tranh, vì lúc đó dịch vụ này thu hút được rất nhiều sự quan tâm, thậm chí đến mức sùng bái. Tuy nhiên, nó lại không bao giờ trở thành một xu hướng. Năm 2009, Facebook mua FriendFeed với cái giá 50 triệu USD. Có vẻ như đây là một cửa đi có lợi. Nhưng nếu so sánh với Groupon và Zynga, những công ty đang đệ trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá trị có thể lên đến 20 tỉ USD, thì FriendFeed rõ ràng là không chuyển được lượng người dùng chấp nhận sớm thành một trào lưu.
Quora là một ví dụ khác. Được khởi xướng bởi một thành viên đồng sáng lập Facebook là Adam D’Angelo, Quora hoạt động như một mạng hỏi đáp (Q&A) xã hội. Cuối năm ngoái, Quora cũng tạo ra không ít “sóng gió” trên Internet. Nhưng sau đó, những lời bàn tán xung quanh Quora cũng dần im ắng, và Quora lại quay trở về với vị thế của một trang hỏi đáp thông thường. Mức tăng trưởng người theo dõi (follower) liên tục giảm sút từ tháng 5/2011. Có vẻ như Quora cũng chịu những tác động từ hiệu ứng Robert Scoble – một blogger nổi tiếng – khi mà nhân vật này vẫn là một thành viên có số follower nhiều nhất trên Quora. Tất nhiên vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về Quora, nhưng rõ ràng đây là một minh chứng cho tính hay thay đổi của nhóm người sử dụng ban đầu.
Trong khi đó, Twitter lại là một ví dụ để nói đến tác động của nhóm người sử dụng ban đầu đối với việc đưa một sản phẩm trở thành xu hướng cho xã hội. Twitter là mạng xã hội dừng ở mức có số đông người sử dụng ban đầu trong thời gian dài nhất. Mãi đến khi diễn viên Ashton Kutcher, nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey và siêu sao bóng rổ Shaquille O’Nealan tham gia, dịch vụ này mới tăng trưởng đột biến. Đến nay, Twitter đang có hơn 200 triệu lượt tweet mỗi ngày, và những thành viên nổi tiếng nhất giờ đây không phải là Robert Scoble hay Kevin Rose, mà là Lady Gaga, Justin Bieber hay Barack Obama.
Chắc chắn không thể không nhắc tới Buzz, mạng xã hội của Google mới chào sân hồi năm ngoái với vô vàn lời chào mừng hân hoan của thế giới Internet. Thế nhưng, đến nay, Buzz coi như đã không còn nữa.

Quay về với Google+
. Nếu đánh giá về tương lai của mạng xã hội này chỉ sau 2 tuần sử dụng có lẽ là quá sớm. Nhìn chung, phải thừa nhận là Google+ cũng có những cải tiến rất đáng kể. Tuy nhiên, những hưng phấn có phần thái quá của người dùng trong thời gian qua có thể chỉ là làn sóng do nhóm người dùng ban đầu tạo ra mà thôi. Trong khi đó, nếu đặt câu hỏi rằng: Liệu bao nhiêu người trong gia đình bạn đã biết sử dụng Google+? Liệu những người bạn làm về tài chính hay y tế đã biết về Google+? Có lẽ phần lớn câu trả lời sẽ là “Không”. Vì thế, cho đến khi Google+ trở thành xu hướng mới trên Internet, chúng tôi sẽ không khuyên bạn sớm từ bỏ Facebook
(PCWorld Vn)

0 comments:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Facebook Zingme Go.vn Blogger Favorites More